TRẦN THIỆN THANH

Trần Thiện Thanh (12 tháng 6 năm 1942 – 13 tháng 5 năm 2005) là một nhạc sĩ Việt Nam chuyên viết về nhạc trữ tình. Bút hiệu ông thường dùng là TTT nhưng thỉnh thoảng ông cũng ký tên Anh Chương (tên con trai ông), Trần Thiện Thanh Toàn (em trai ông, đã tử trận). Ông còn là ca sĩ nổi tiếng với nghệ danh Nhật Trường. Ông là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất giai đoạn trước 1975. Ông được xem như là một trong bốn giọng nam nổi tiếng nhất của nhạc vàng (“tứ trụ nhạc vàng”), ba người còn lại là: Hùng Cường, Duy Khánh, Chế Linh

Trần Thiện Thanh sinh năm 1942 tại Phan Thiết. Ông đến Sài Gòn năm 1958 và chẳng bao lâu giọng hát trau chuốt của ông được giới yêu nhạc Sài Gòn yêu mến.

Trần Thiện Thanh nguyên là giáo viên trung học, tốt nghiệp trường Hạ sĩ quan năm 1965, phục vụ tại Cục Tâm lý chiến Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1965 cho đến cuối tháng tư năm 1975. Ông làm việc tại Ðài Phát thanh và sau đó Truyền hình Quân Ðội, từng là Trưởng ban văn nghệ của Đài và sau năm 1968 ông còn phụ trách thêm chương trình phóng sự chiến trường.

Ngoài ra, ông còn điều hành trung tâm phát hành nhạc và thu băng tên là “Tiếng Hát Đôi Mươi”. Đầu thập niên 1960, Nhật Trường lập ban Tứ Ca Nhật Trường gồm 3 nữ ca sĩ: Như Thủy (em gái của ông), Vân Quỳnh và Diễm Chi (“nữ hoàng” của phong trào du ca chuyên hát nhạc Nguyễn Đức Quang, Ngô Mạnh Thu, Miên Đức Thắng, Bùi Công Thuấn) hát phụ họa cùng với ông.

Trong những năm cuối thập niên 1960, Hùng Cường, Chế Linh và Nhật Trường thường mặc quân phục lên sân khấu để hát nhạc lính. Ông hoạt động rất nhiều với các đài phát thanh và đài Truyền hình Việt Nam thời đó. Trong các phim kịch với đề tài người lính, Nhật Trường hay ca diễn với Thanh Lan.

Đầu thập niên 1970, ông thực hiện một số nhạc cảnh về Đại úy Nguyễn Văn Đương trong đó ông đóng vai người lính còn Thanh Lan đóng vai người vợ hậu phương Nguyễn Thị Lệ. Lúc đó, Nhật Trường và Thanh Lan thường hát chung với nhau. Đây là một tiết mục thu hút nhiều khán giả xem TV thời kì đó và loạt nhạc cảnh này cũng được thu thành phim với tên Trên Đỉnh Mùa Đông.

Hai chủ đề lớn trong sáng tác của ông là tình yêu và tình lính. Ông sáng tác nhiều nhạc về lính, nhưng nhạc lính của ông thường không có thù hận, gay gắt hoặc kích động, thúc quân hoặc u uất, bi thảm mà nhạc của ông thường trong sáng vui tươi làm thi vị hóa và lãng mạn hóa đời lính gian khổ.

Sau 1975, ông nằm trong danh sách những nghệ sĩ bị Nhà nước CHXHCN Việt Nam cấm hoạt động. Tới năm 1984, Trần Thiện Thanh được phép hoạt động lại. Trần Thiện Thanh từ chối làm việc dưới chế độ mới mặc dù trong những năm ít xuất hiện trên sân khấu, ông vẫn soạn nhạc.

Năm 1993, ông di cư sang Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ gia đình, ODP. Sau một thời gian sống tại Mỹ thì ông kết duyên với nữ ca sĩ Mỹ Lan.

Trần Thiện Thanh qua đời vào ngày 13 tháng 5 năm 2005 tại nhà riêng ở thành phố Westminster, Quận Cam do bệnh ung thư phổi.

Trần Thiện Thanh sáng tác khoảng 200 ca khúc, ví dụ:

Ai nói yêu em đêm nay

Anh không chết đâu anh, vinh danh Đại úy Nguyễn Văn Đương

Anh về với em

Bà mẹ Trị Thiên

Bảy ngày đợi mong

Bắc Đẩu

Biển mặn. Đây là tác phẩm gần như kể về cuộc đời nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.

Bông nắng

Chị Ba Hàng Xanh

Chiếc áo bà ba, mang âm hưởng dân ca

Chiều trên phá Tam Giang (thơ Tô Thuỳ Yên)

Chủ nhật này Trẩm nhớ Ái Khanh không?

Chuyện hẹn hò

Chuyến đi về sáng, viết chung với Mạnh Phát

Chuyện tình Mộng Thường

Cho anh xin số nhà

Dấu đạn thù trên tường vôi trắng

Đám cưới đầu xuân

Đôi ngả đôi ta

Đôi tiếng Tự Do

Giây phút tạ từ

Giọt cà phê đầu tiên

Góa phụ ngây thơ thơ Hà Huyền Chi

Gọi tên anh

Hai sắc hoa Tigôn

Hàn Mặc Tử

hạnh phúc nhỏ nhoi

Hiện diện của em,thơ Hữu Phương

Hoa biển, viết tặng Hải quân Việt Nam Cộng hòa (sáng tác chung với Anh Thy, tên thật là Phạm Văn Khổn, cố chuẩn úy nhất hải quân

Hoa trinh nữ

Một đời yêu anh

Khi người yêu tôi khóc

Không bao giờ ngăn cách

Lâu đài tình ái (thơ Mai Trung Tĩnh)

Lời cho người yêu nhỏ

Lời tình viết vội

Màu mũ anh,màu áo em

Một đời yêu em

Một vì sao nhỏ

Một lần bay thấp

Một người nằm xuống

Mùa đông của anh

Mười sáu trăng tròn

Ngại ngùng sáng tác đầu tiên

Người chết trở về

Người ở lại Charlie, vinh danh Đại tá Nguyễn Ðình Bảo

Người yêu của lính

Phút giao mùa

Mùa xuân lá khô

Rừng lá thấp, viết tặng Đại Úy Vũ Mạnh Hùng tử trận trên cầu Thị Nghè

Sao anh không nói

Sư đoàn 1 Bộ binh hành khúc

Tình có như không

Tình yêu nhảy múa

Tâm sự người lính trẻ

Tạ từ trong đêm

Tình thư của lính, sáng tác trong biến cố Tết Mậu Thân 1968. Trong dịp này ông là Trung đội trưởng Trung đội ứng chiến phòng thủ Biệt Khu Thủ Đô.

Tình đầu tình cuối, viết chung với Trần Thiện Thanh Toàn là người em trai của ông

Trên đỉnh mùa đông

Trời chưa muốn sáng

Tình hận người vượt biển

Tình thiên thu (Chuyện tình Mộng Thường)

Tình yêu,rừng già và chúng ta

Tình yêu thứ nhất

Từ dạo xa em

Từ đó em buồn

Tuyết trắng, viết tặng Không lực Việt Nam Cộng hòa

Yêu …

Có lần Trần Thiện Thanh được hỏi vì sao ông chọn tên Nhật Trường. Ông trả lời: “Hồi nhỏ tôi thích ca hát lắm nhưng bố mẹ tôi không cho. Thế là tôi phải chờ đến ban đêm đợi bố mẹ đi ngủ rồi mới dám hát. Nhiều khi ban ngày thèm hát quá mà phải đợi đến tối, thấy ngày sao dài ghê nên tôi chọn tên Nhật Trường, có nghĩa là … ngày dài.

Sau khi định cư ở Hoa Kỳ, Trần Thiện Thanh gom bài Người bên lề cõi sống cùng với các bản khác như Đôi tiếng tự do, Từ nửa vòng trái đất, Ở giữa muộn phiền, Trại cấm,… để làm thành CD Đôi tiếng tự do.

Năm 2006, Trung tâm Asia có thực hiện chương trình đặc biệt Nhật Trường Trần Thiện Thanh – Anh không chết đâu anh (Asia DVD 50) và năm 2009 thực hiện chương trình “Nhật Trường – Trần Thiện Thanh 2” (Asia DVD 61), để vinh danh ông.

Một người con trai ông là Trần Thiện Anh Chương, khi đi hát có lấy tên là Anh Chương hoặc Nhật Chương, đôi khi lấy tên là Trần Thiện Thanh Toàn (để nhớ chú) nhưng sau này khi làm việc trong vai trò ký giả thì chỉ lấy tên là Thanh Toàn, hiện cộng tác với đài truyền hình SBTN và Trung tâm Asia.

Hiện nay, tại Việt Nam, chỉ có một số ít ca khúc của ông được phép lưu hành chính thức như Chiếc áo bà ba, Tình đầu tình cuối, Gặp nhau làm ngơ, Bảy ngày đợi mong…

===

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *