MIÊN ĐỨC THẮNG

Miên Đức Thắng sinh tại Huế năm 1945, đã có gia đình gồm một vợ và 4 cô con gái (đang định cư tại CHLB Đức cùng gia đình từ năm 1989 tới nay). Còn nhà ở Lý Tự Trọng, Quận 1, Sài Gòn, nơi mỗi khi anh trú chân về quê hương.

Miên Đức Thắng xuất thân từ Đại Học Khoa Học Sàigòn (1965-66-67), Đại Học Vạn Hạnh (1968), Ban Cao Học Đà Lạt (1972) và học âm nhạc với thầy Văn Giảng nguyên Giám đốc Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn.

Như đã nói, vào trước năm 1975 mọi người chỉ được biết Miên Đức Thắng qua phong trào du ca cùng SVHS từ cuối thập niên 60 đến giữa thập niên 70 của thế kỷ trước.

Trong quá trình sự nghiệp là ca nhạc sĩ, vì anh vừa trình bày các ca khúc do chính anh sáng tác cùng những nhạc phẩm của các nhạc sĩ khác.

Sự nghiệp ca nhạc sĩ của Miên Đức Thắng :

– 1965-1966 góp mặt trong tập nhạc “Hát từ đồng hoang”

– 1970 : Xuất bản 3 cuộn băng mang tên Việt Nam 1, 2 và 3

– Các tác phẩm tiêu biểu : “Hát từ đồng hoang” (1965), “Lớn mãi không ngừng” (1966), “Sóng chờ” (2005).

CHÍNH KIẾN TRONG SÁNG TÁC :

Trong một bài phỏng vấn, có ký giả đã hỏi nhạc sĩ Miên Đức Thắng, chúng tôi xin trích đăng những câu hỏi đáp như sau :

– Hỏi : Nói đến nhạc sĩ Miên Đức Thắng, là nói đến dòng nhạc phản ánh, đi sát với cuộc sống, khởi sự từ những năm 60-70 tươi rói tính thời sự, tới nay, xin ông cho biết sự khác biệt gì trong sáng tác của ông hiện tại ?

– Đáp : Trong một ý tưởng triết học, có nói rằng, sự hiện diện là một cái gì đã mất đi. Và sự mất đi chừng nào, sự khao khát hiện diện lại càng rõ chừng đó. Càng xa quê hương chừng nào, sự hiện diện quê hương trong tâm tưởng tôi càng rõ chừng đó vậy. Cũng giống như khi người mẹ còn sống, mình ít lưu tâm. Nhưng rồi mất mẹ, càng nhớ thương nhiều hơn. Cho tới bây giờ, nhắc lại thời kỳ sáng tác nhạc những năm 60-70, tôi vẫn còn nghe dòng chảy quê hương trong tâm tư mình. Đó cũng là điều thích thú lắm.

– Hỏi : Thấm thoát, nhìn lại thời gian xa xứ đã hơn 30 năm, như một giấc mơ dài cho những người Việt rời xa quê hương kể từ dấu mốc 1975, ngồi ở đây, nhìn ngược lại dòng quay lịch sử, thời điểm của 30 năm trước, nhạc sĩ Miên Đức Thắng là một thanh niên trẻ yêu đời, lý tưởng… từ những ca khúc trong tập “Hát trên đồng hoang”, ông có thấy những ca khúc đó có tính chất “tiên tri” nào hay không, có đúng hay là… trật lất?

– Đáp : Con người chịu sự thay đổi, biến thiên của thời cuộc. Nói theo triết lý nhà Phật, đời là vô thường. Cái gì cũng thay đổi hết, theo thời gian. Tuổi trẻ bao giờ cũng mang một lý tưởng khác thường. Tuổi trẻ của chúng tôi trong chiến tranh, có lẽ ước mơ nhiều hơn tuổi trẻ bây giờ. Tuổi trẻ của thời chiến cao vọng nhiều hơn là thời bình, tôi nghĩ vậy. Bây giờ khi lớn tuổi, về hưu, tôi nhìn mọi vấn đề khác xưa, tất nhiên, và tâm cảnh thay đổi theo tuổi tác và sức khỏe. Âm nhạc, hội họa của tôi đã thay đổi.

– Hỏi : Âm nhạc, hay nói chung, nghệ thuật là sự phản ảnh từ cái tâm của người sáng tác, cho tới giờ phút này khivề hưu, nhìn lại chặng đường đã qua, ông có thấy những gì tiếc nuối, hoặc chưa nói lên hết được qua âm nhạc, hội họa hay không?

– Đáp : Âm nhạc và hội họa của tôi, vẫn chỉ là những bước bắt đầu mà thôi. Lý do, tôi nhìn mưa, nhìn trăng, vẫn xúc động như thuở nào. Tất nhiên, nỗi xúc động hôm nay khác xưa. Tôi cảm thấy mình chưa đủ khả năng để diễn tả nổi những gì mình cảm nhận đối với những gì xảy ra xung quanh. Nói về sự thất bại của ngôn ngữ âm nhạc, hay kỹ thuật vẽ tranh, tôi cảm nhận sâu xa sự giới hạn của mình. Do đó, tôi hầu như không thấy hài lòng những gì mình đã làm.

– Hỏi : Câu chuyện của chúng ta đã đi từ hiện tại, đi ngược về quá khứ, xin ông một câu hỏi cho tương lai, trong những năm tháng sắp tới, nghiệp viết nhạc, vẽ tranh của ông sẽ không tách rời khỏi nhau, ông sẽ viết nhạc, vẽ tranh về đề tài, khuynh hướng như thế nào ?

– Đáp : Ước mơ của tôi, chắc cũng không khác các bạn trong giới nghệ sĩ là tiếp tục được viết, vẽ, sáng tác nhiều nữa… như ban đầu, với một tấm lòng trong sáng, thơ ngây, với sự háo hức của tuổi trẻ là lúc nào cũng vươn tới, không bao giờ thấy hài lòng với mình. Mới viết một ca khúc hôm qua đó, hôm sau đã muốn viết tiếp một khúc nhạc mới hay hơn, ý nghĩa hơn, hay mới vẽ một bức tranh của hôm trước, hôm sau đã bị thôi thúc một bức tranh khác đẹp hơn, tươi sáng hơn.

Như vậy, sẽ làm cho mình lúc nào cũng mới hoài, mới hoài với chính mình. Tôi nghĩ câu “Nhật tân, nhật tân, hựu nhật tân” (Ngày mới, ngày mới lại ngày mới) là điều tôi mong muốn. Nhìn lại những gì mình viết, tôi thấy mình viết đến con người là nhiều nhất. Con người với những lo toan, khuynh hướng nhân sinh nhiều hơn. Còn khuynh hướng “nghệ thuật vị nghệ thuật”, cũng là ước mơ vương tới của tôi, nhưng chưa đạt được. Khả năng của tôi chỉ có thể đụng tới sự kiện liên quan đến cuộc sống, đến con người cụ thể, trong bối cảnh xã hội cụ thể mà thôi.

===

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *